Tạo hàng rào bảo vệ sức đề kháng cho bé
Vì sức đề kháng thấp nên trẻ thường là đối tượng của rất nhiều loại bệnh như cảm, ho, sổ mũi. Để giúp các bé khỏe mạnh hơn cũng như phòng ngừa một số bệnh lây nhiễm, nen chú ý đến việc bổ sung dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ.
Bổ sung Vitamin A
Việc bổ sung Vitamin A sẽ đáp ứng nhu cầu của cơ thể để phục vụ cho các chức năng nhìn, phát triển, bảo vệ toàn vẹn biểu mô và sự phân bào, miễn dịch của trẻ nhỏ. Khi thiếu Vitamin A, trẻ dễ bị quáng gà, chậm phát triển về thể chất, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa và có nguy cơ tử vong cao.
Vitamin A có trong các thức ăn nguồn gốc động vật như: trứng, cá, sữa, thịt, gan heo, tôm…Thực phẩm nguồn gốc thực vật như rau ngót, rau muống, rau dền, rau diếp, xà-lách… các loại rau củ quả có màu vàng như gấc, cà-rốt, bí đỏ và những quả chín như đu đủ, xoài, hồng, mơ… cũng rất giàu vitamin A.
Bổ sung Vitamin C
Việc cung cấp đầy đủ Vitamin C sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh tật như: xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, sưng nướu răng, thiếu máu, tránh mắc bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus.
Các loại rau như ớt chuông, rau ngót, rau mùi, mồng tơi, súp-lơ, hành tươi, cà chua và các loại hoa quả như cam, chanh, quýt… là những nguồn Vitamin C rất dồi dào.
Ăn đủ ba nhóm thực phẩm
Chất đường bột
Là nguồn cung cấp năng lượng chính trong khẩu phần hàng ngày của bé. Để bổ sung đầy đủ bột đường, ngoài gạo có thể cho bé ăn thêm các loại thực phẩm khác như ngô, khoai lang, khoai tây, bột mì…
Chất đạm
Giúp phát triển các khối cơ, tạo kháng thể chống lại nhiều bệnh nhiễm khuẩn. Đạm còn tác động đến sự phát triển tế bào não và cung cấp một phần nhỏ năng lượng cho cơ thể bé.
Bổ sung đạm bằng cách cho trẻ ăn nhiều trứng, sữa, thịt, cá, tôm, cua, lươn, nhộng, gan. Những món ăn từ thực vật như: đậu nành, đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu trắng.
Chất béo
Giúp bổ sung năng lượng và làm cho thức ăn mềm ra, trẻ ăn ngon miệng hơn. Nên cho trẻ ăn các nguồn chất béo thực vật như dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu nành… Chúng có tỷ lệ a-xít béo bão hòa không cao bằng mỡ nên dễ hấp thu hơn. Chất béo còn giúp trẻ hấp thu tốt hơn các loại vitamin tan trong dầu mỡ như: vitamin A, E, D, K…
Nguồn tổng hợp